CÔNG TY TNHH MTV DV TM VÀ XD CƯỜNG THỊNH PHÁT
Bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa ở Kiên Giang
VHO- Thực hiện Luật Di sản văn hóa (DSVH), công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đã và đang được nghiên cứu, nhận diện và phát huy các giá trị, nhằm phục vụ tốt khách đến tham quan du lịch, nghiên cứu và giáo dục truyền thống.
Lễ hội truyền thống Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực đang được lập hồ sơ đưa vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia
Đến nay, Kiên Giang có 56 di tích, gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 22 di tích cấp quốc gia và 33 di tích cấp tỉnh. Công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích được quan tâm thực hiện từ nhiều nguồn lực như Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, ngân sách tỉnh và kinh phí xã hội hóa, làm cho diện mạo các di tích ngày càng khang trang, giữ gìn được những giá trị ban đầu của di tích. Gần 20 năm qua, tỉnh đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn Trung ương, địa phương và nhân dân đóng góp với tổng kinh phí gần 130 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 35 di tích. Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai đầu tư các hạng mục công trình tại khu tưởng niệm. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng và góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể đã và đang nhận được sự quan tâm, đã thống kê toàn tỉnh có 37 loại hình lễ hội truyền thống, 86 loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, 22 loại hình tập quán xã hội, 4 loại hình tiếng nói-chữ viết các dân tộc, 36 loại hình ngữ văn dân gian, 51 loại hình tri thức dân gian, 75 loại hình nghề thủ công truyền thống.
Thực hiện một số công trình nghiên cứu khoa học như: Đề tài “Nghiên cứu thực trạng địa danh các đảo - hòn đảo thuộc vùng biển Kiên Giang”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2018-2020”; Đề án “Thực trạng và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025”. Xây dựng các đề án mở rộng quy mô tổ chức một số lễ hội tiêu biểu của tỉnh. “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia, tiến tới xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là DSVH phi vật thể thế giới. Tỉnh hiện có 05 Nghệ nhân ưu tú, trong đó có 02 nghệ nhân là đồng bào Khmer và đang đề nghị công nhận thêm 7 nghệ nhân nữa.
Bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang
Toàn tỉnh có 01 Bảo tàng tỉnh, 06 Nhà truyền thống và 01 Bảo tàng tư nhân Cội Nguồn - Phú Quốc. Bảo tàng tỉnh đã lưu giữ, bảo quản trên 21 ngàn hiện vật; Bảo tàng Cội Nguồn - Phú Quốc lưu giữ khoảng 5.000 hiện vật. Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra được tiến hành thường xuyên, từ đó góp phần ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi xâm hại di tích.
Trong thời gian tới Kiên Giang tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong việc tiếp tục thực hiện tốt Luật DSVH và đầu tư, hỗ trợ công tác bảo tồn DSVH. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý DSVH; huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án bảo tồn và phát huy giá trị DSVH gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch bền vững. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về thực hiện Luật DSVH và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.